Cục Khánh Hòa: Môt số điểm cần lưu ý về thành phần Đoàn thanh tra; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan thanh tra chuyên ngành theo Nghị định số 03/2024/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định 03/2024/NĐ-CP đã có quy định chi tiết về thành phần Đoàn thanh tra; việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan thanh tra chuyên ngành được quy định cụ thể tại Điều 31, Điều 33 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP. Một số nội dung đáng chú ý như sau:
1. Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành:
Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm toán nhà nước thì phối hợp với cơ quan kiểm toán nhà nước để xử lý theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm toán nhà nước.
Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các cơ quan thanh tra khác được xử lý như sau:
- Chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra;
- Chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của Thanh tra Bộ thì trao đổi với Thanh tra Bộ để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra;
- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các Tổng cục, Cục thuộc Bộ thì Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục thuộc Bộ trao đổi để xử lý, trường hợp không thống nhất được thì báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định;
- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Tổng cục với Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở thì Tổng cục trưởng trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra sở để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục tiến hành thanh tra;
- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục với Thanh tra tỉnh thì Cục trưởng trao đổi với Chánh Thanh tra tỉnh để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra;
- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục với Thanh tra sở thì Cục trưởng trao đổi với Chánh Thanh tra sở để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì Cục thuộc Tổng cục tiến hành thanh tra;
- Chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của Cục thuộc Tổng cục với Tổng cục thì Cục trưởng, Tổng cục trưởng trao đổi để xử lý, trường hợp không thống nhất được thì Tổng cục tiến hành thanh tra;
- Các trường hợp khác có sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành với nhau thì các cơ quan được giao thực hiện thanh tra chuyên ngành trao đổi để xử lý; trường hợp không thống nhất được thì cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành cấp trên tiến hành thanh tra.
2. Về thành phần Đoàn thanh tra:
Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết) và thành viên khác. Thành viên khác của Đoàn thanh tra là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và người khác tham gia Đoàn thanh tra nhưng không phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra phải là người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Đối với Đoàn thanh tra do Tổng Cục trưởng thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Phó trưởng phòng hoặc chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên; Đối với Đoàn thanh tra do Cục trưởng Cục thuộc Tổng cục thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ chuyên viên hoặc tương đương trở lên;
Thành viên khác của Đoàn thanh tra là chuyên viên hoặc tương đương trở lên, do người ra quyết định thanh tra quyết định theo đề xuất của người được dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra; có đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều 82 của Luật Thanh tra.
Nghị định 03/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/3/2024./.
Bình luận