Yếu tố “con người” cần được coi trọng trong tiến trình phát triển lực lượng QLTT
Khi tôi đánh máy những dòng chữ này, ở đâu đó trên mọi miền tổ quốc thân yêu vẫn còn những con người đang ngày đêm cống hiến mình cho sự nghiệp phát triển của lực lượng, những con người đang miệt mài đấu tranh với đương sự để xử phạt vi phạm hành chính, những con người đang mải mê nghiên cứu từng dòng văn phong của pháp luật để cảm thụ và truyền tải cho các thế hệ công chức của ngành và rất nhiều con người đang bám sát địa bàn để nắm bắt thông tin, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tất thảy họ đều là những con người “cống hiến”, đều đáng được trân trọng và tự hào biết bao. Tuy nhiên bài viết này tôi không chỉ đề cập đến những điều đó mà còn muốn nói lên nhiều điều hơn thế. Bởi yếu tố “con người” luôn là một điều gì đó thiêng liêng, trân quý, quan trọng và cần được coi trọng trong tiến trình phát triển của lực lượng chúng ta.
Thời gian gần đây, trước khi tôi đánh máy bài viết này, tôi đã được nghe nhiều tâm sự của các đồng nghiệp từ mọi miền tổ chức, tôi thực sự vui vì có nhiều đồng nghiệp rất tuyệt vời, họ sẵn sàng sẽ chia mọi thứ trong công việc và cả trong cuộc sống; họ vui vì những đổi mới, phát triển của lực lượng và thu hút được nhiều công chức từ các đơn vị khác chuyển vào công tác nhưng cũng còn đôi chút buồn lòng, vấn vương khi vẫn có những đồng chí, đồng nghiệp xin chuyển công tác sang đơn vị khác mặc dù đã gắn bó lâu năm. Có lẽ câu chuyện “trong chán ngoài thèm” cần được chúng ta bàn sâu hơn chút nữa.
Là “con người”, tất thảy chúng ta ai cũng mong có cơm ăn, áo mặc, được học hành; có một công việc làm để nuôi sống gia đình và phát triển bản thân. Nếu theo Maslow thì chúng ta có nhu cầu cơ bản (basic needs) và nhu cầu nâng cao (meta needs); một khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng thì con người sẽ dần chuyển sang nhu cầu cao hơn như: Được an toàn, tôn trọng, danh tiếng, địa vị .v.v. Cũng giống như câu chuyện của lực lượng QLTT 05 năm về trước cũng đang thiếu nhiều thứ cơ bản như: Tổ chức bộ máy (ngành dọc), chất lượng đội ngũ công chức, hạ tầng pháp lý, ứng dụng CNTT, truyền thông và một khi các nhu cầu trên được giải quyết thì hiện nay cũng đang dần chuyển sang 05 nhu cầu mới, đó là: Giám sát, phòng ngừa 24/7, tấn công hàng giả trên môi trường mạng, chuyển đổi số toàn diện, cấp đội là hạt nhân, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Bài viết này, tôi xin phép không bàn sâu về những nhu cầu của tổ chức (những bài viết trước đó tôi đã đề cập khá sâu các nội dung này), cái tôi đang muốn hướng đến đó là nhu cầu của con người, mà cụ thể là của công chức QLTT trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua tôi được biết có một số công chức xin chuyển ngành sang đơn vị khác và ngay chính cơ quan tôi cũng có một số người xin chuyển nhưng con số này là không nhiều và họ đều có những lý do cá nhân nhất định, cũng có thể coi họ là số ít những người đã chuyển trạng thái sang nhu cầu nâng cao (meta needs) như đã nói ở trên. Nhưng các bạn hãy nhìn xem, ngoài kia số đông các bạn trẻ chưa tìm kiếm được việc làm trong giai đoạn suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, hàng nghìn các bạn trẻ thi vào lực lượng QLTT nhưng không đỗ và rất nhiều công chức từ các ngành khác đang mong muốn chuyển sang lực lượng QLTT để cống hiến vì thấy những điều tuyệt vời mà lực lượng đã có thời gian qua. Có lẽ những con số biết nói đó là quá áp đảo cho thiểu số những người đã chuyển ngành phải không nào! Có lẽ một khi lực lượng QLTT phát triển đến một giai đoạn nhất định thì câu chuyện “thay máu’ nhân sự ắt là điều không tránh khỏi, có sự thay đổi thì mới có sự phát triển và chúng ta cần nhìn nhận nó như một điều bình dị nhất. Tuy nhiên chúng ta cần phải có giải pháp để những “con người” ở lại cống hiến, tận tụy hoặc những người mới vào nghề thêm tâm huyết, thêm động lực để làm việc. Đó là điều mà bài viết này muốn gửi gắm đến cho các đồng chí, đồng nghiệp của tôi.
Lực lượng QLTT đã có những đổi thay từng ngày rất tuyệt và sẽ tuyệt vời hơn nữa nếu yếu tố “con người” ngày càng được coi trọng trong tiến trình phát triển của lực lượng. Để làm tốt câu chuyện này, có lẽ chúng ta cần xây dựng những “con người chuyển đổi số” thực sự đáp ứng yêu cầu. Vậy bài toán đặt ra là gì, theo quan điểm tác giả chúng ta cần tập trung làm tốt các khâu sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đề án đào tạo để có những công chức đầu vào chuyên ngành QLTT thực sự chính quy, chất lượng tốt. Để thu hút được sinh viên tham gia học tập ngành QLTT thì ngoài việc xây dựng hình ảnh một lực lượng chuyên nghiệp, một nơi làm việc lý tưởng thì cần phải có cơ chế, chính sách để những sinh viên vào học được bố trí công việc ngay sau khi tốt nghiệp, nếu không thì số lượng sinh viên tham gia học tập sẽ hạn chế và chất lượng đầu vào sẽ không như mong muốn của chúng ta.
Thứ hai, đối với những công chức tuyển dụng, thu hút, xét tuyển từ các cơ quan, đơn vị khác sang cần đặt yếu tố “chất lượng” lên hàng đầu. Bài toán xưa nay chúng ta hay giải mà không giải được, đó chính là thực trạng số lượng công chức lớn tuổi, chuyển từ ngành khác sang, không được đào tạo chính quy tương đối nhiều. Đây là điều dẫn đến những tồn tại trong hoạt động công vụ. Do vậy một khi có cơ hội “thay máu” thì cần thay những nguồn máu thực sự chất lượng và ưu tiên thế hệ trẻ để trẻ hóa đội ngũ công chức.
Thứ ba, cần hạn chế câu chuyện “chảy máu chất xám”. Để làm tốt điều này, chúng ta cần tạo ra một môi trường, nơi làm việc thân thiện, lý tưởng, để “công chức” được cống hiến và mang lại cho họ những nhu cầu nâng cao, ngoài các nhu cầu cơ bản. Để làm được điều này, chúng ta cần quan tâm xây dựng những chính sách thật tốt cho công chức trong ngành, từ câu chuyện lương, thưởng đến các chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, thăng tiến cho những công chức thực sự giỏi, tâm huyết và cống hiến. Một khi chúng ta có sẵn các “nhu cầu nâng cao” thì nhất định “con người” sẽ gắn bó và tận tâm với nghề.
Thứ tư, cần xây dựng được văn hóa của lực lượng, quy tắc ứng xử tốt để tạo lập môi trường làm việc tốt, nơi các cá nhân có thể cống hiến hết mình; nơi đó sẽ là sự hội tụ, kết tinh của những con người tri thức, tân tiến, chuyển đổi số, tâm huyết. Để làm tốt câu chuyện này, ngay từ chính công tác tuyển dụng đầu vào và quá trình hoạt động công vụ cần đào tạo, bồi dưỡng để có được những công chức có 03 yếu tố “trí tâm đức”. Đây rõ ràng là một bài toán mà lời giải của nó không chỉ là sự đồng tâm hiệp lực của tất cả chúng ta mà cần có ý chí, trách nhiệm của những người đứng đầu, những cánh tay đắc lực cùng chèo con thuyền đi về một hướng. Vậy nên mục tiêu trong giai đoạn này là “nêu cao trách nhiệm người đứng đầu” rõ ràng là một nội dung hết sức trọng tâm và cần thiết.
Có một nhà thơ là đã từng nói rằng “khi yêu thương đủ lớn mọi giới hạn đều được xóa nhòa” và “Con người ta sinh ra là để được là chính mình. Vì vậy, đừng bao giờ cố che giấu hay thay đổi bản thân vì bất cứ ai. Hãy cứ tự tin và cho cả thế giới biết bạn thực sự là ai. Đó mới là vai diễn định mệnh của bạn” và “Cuộc sống của bạn chỉ thực sự ý nghĩa và trọn vẹn khi bạn biết giữ gìn và nuôi dưỡng ước mơ, biết ghi nhận, biết tin vào những lời hứa, trân trọng những hẹn ước, biết can đảm bước ra từ nỗi đau, biết vượt lên học hỏi sau những sai lầm”. Vâng nếu chúng ta biết yêu thương bản thân, yêu thương công việc thì những gì mình chăm chút, cống hiến cho lực lượng QLTT nhất định sẽ cho quả ngọt trong tương lai. Hy vọng với bài viết này sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, động lực để ACE lực lượng QLTT yên tâm công tác, cống hiến, tận tâm với nghề.